Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh bất chấp Zero COVID, phong tỏa nhiều thành phố lớn
4/20/2022 9:57:50 AM
08:38 20/04/2022, theo VASEP
Dù Trung Quốc vẫn kiên định với chính sách Zero COVID, nhiều trung tâm thủy sản lớn bị phong tỏa, song xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong quý I vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, đạt 326 triệu USD.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh bất chấp Zero COVID
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 182 triệu USD, tăng 2,2 lần so với tháng 2. Tính chung quý I, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 326 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ)
Như vậy, dù Trung Quốc vừa trải qua làn sóng COVID-19 với số ca nhiễm mới tăng đột biến, phong tỏa nhiều thủ phủ thủy sản như Quảng Đông, Thượng Hải, siết chặt quy trình nhập khẩu thực phẩm… nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng tốt.
Trao đổi với người viết, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO. cho biết việc Trung Quốc kiên định với chính sách Zero COVID-19, tăng cường kiểm dịch với thủy sản đông lạnh là khó khăn chung của tất cả thị trường xuất khẩu thủy sản, không riêng Việt Nam.
“Nhìn chung, việc phong tỏa, kiểm dịch ở Trung Quốc cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu thủy sản vì các doanh nghiệp đã quen và thích nghi với điều này trong hai năm qua.
Cho dù bị ảnh hưởng cũng không đáng kể, bởi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc đang rất cao”, bà Hằng nói.
Về xuất khẩu cá tra, CTCK BIDV (BSC) cho biết hai tuần sau khi Trung Quốc công bố việc phong tỏa nhiều thành phố, xuất khẩu mặt hàng này chưa có dấu hiệu sụt giảm.
Trong quý I, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc ước đạt 65.000 tấn, tương đương 165 triệu USD, tăng 87% về lượng và tăng 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá bán cá tra trung bình đạt 2.530 USD/tấn, tăng 74%.
BSC cho rằng Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại và khi đó mức tiêu thụ cá tra của nước này ngang với Mỹ. Đây sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm nay.
Còn về mặt hàng tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết sau khi giảm mạnh 22% trong năm 2021, xuất khẩu tôm đã có tín hiệu phục hồi tăng trưởng tốt vào đầu năm nay.
2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 40 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP dự báo năm 2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh. Tuy vậy, các quy định và rào cản của Trung Quốc vẫn khắt khe, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cần đảm bảo công tác kiểm soát và phòng chống COVID-19 trong quá trình sản xuất, xuất khẩu tôm vào Trung Quốc.
Với những tín hiệu tích cực trong quý I của nhiều mặt hàng thủy hải sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng triển vọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc sẽ khả quan trong năm 2022.
Tham gia vào thị trường, doanh nghiệp phải chấp nhận luật chơi
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) từ đầu năm đến ngày 11/3, có 52 lô hàng của 36 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam bị cảnh báo, trả về vì phát hiện virus trên mặt bao bì, kiện hàng và trên mẫu sản phẩm.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cảnh báo nhiều lô hàng thủy sản về chỉ tiêu phosphate (cá, tôm đông lạnh, mực khô); bệnh thủy sản IHHNV, WSSV (tôm đông lạnh); kháng sinh cấm Chloramphnicol (ốc hương sống), Cadmium (cá cơm khô, tôm sú sống).
Nguyên nhân là một số doanh nghiệp chưa nắm vững và đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc cảnh báo nhiều doanh nghiệp Việt vì phát hiện virus SAR-CoV-2 trên bao bì
Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu đối với doanh nghiệp Việt Nam có lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và cũng tạm dừng thủ tục nhập khẩu đối với doanh nghiệp có lô hàng bị phát hiện SARS-COV-2 trong một thời gian.
Tùy thuộc vào số lần bị phát hiện virus Sars-Cov-2 (trên bao bì hoặc thực phẩm), doanh nghiệp có thể bị đình chỉ thủ tục nhập khẩu trong vòng từ 1 – 4 tuần.
Bà Lê Hằng cho rằng: “Các doanh nghiệp có lô hàng bị Trung Quốc cảnh báo, trả về sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, song xét về tổng thể ngành thì không chịu tác động lớn.
Khi doanh nghiệp xác định tham gia xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản thì phải tìm hiểu và đáp ứng các quy định nhập khẩu. Các thị trường đang ngày càng khó tính, đặc biệt là Trung Quốc. Do vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm dịch thực phẩm là tất yếu”.
Bà Hằng cho rằng ở giai đoạn này, khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng bật sau hai năm dồn nén, các nhà nhập khẩu có thể dễ tính hơn một chút.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 và căng thẳng Nga – Ukraine lắng xuống thì các thị trường có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng và nhiều rào cản khác.
Cùng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đánh giá doanh nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu sang Trung Quốc bởi sức tiêu thụ của thị trường hơn một tỷ dân là vô cùng lớn.
“Điều quan trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là thị trường tiêu thụ tốt. Còn mỗi quốc gia sẽ có những chính sách, rào cản kỹ thuật, doanh nghiệp muốn vào thị trường thì phải tuân thủ, không còn cách nào khác”, ông Hòe nói.
Phương Linh