Vi phạm thường gặp khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
8/19/2022 11:41:58 AM
Theo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 19/8/2022,
Tùy viên thương mại, Đại Sứ quán Việt Nam cho biết, hàng năm có hàng nghìn trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm vi phạm quy định nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc.
Những rào cản kỹ thuật của thị trường Trung Quốc:
Tại Diễn đàn: “Xuất khẩu trái cây tươi trong bối cảnh Trung Quốc thực thi Lệnh 248, 249 và tăng cường kiểm soát nhập khẩu thực phẩm chuỗi cung ứng lạnh” do Văn phòng SPS Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức tại Bình Thuận vào sáng 19/8, ông Lương Văn Tài – Tùy viên thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, chia sẻ thông tin về các rào cản và vi phạm thường gặp khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Ông Lương Văn Tài - Tùy viên thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Theo ông Lương Văn Tài, hiện nay Trung Quốc vẫn áp dụng hạn ngạch đối với một số mặt hàng nông sản, thực phẩm (ví dụ: ngô, gạo, đường, bông và lông cừu), chính vì vậy, lượng hàng khẩu sang thị trường này không nhiều.
Trung Quốc cũng đưa ra một số hàng rào kỹ thuật và các biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật ngày càng được tăng cường nghiêm ngặt hơn, điểm hình như Lệnh 248 và 249 đã được Trung Quốc ấp dụng từ ngày 1/1/2022.
Vừa qua, Trung Quốc cũng tiếp tục ban hành Thông báo số 58/2022 về việc tiếp tục tối ưu hóa và hoàn thiện công tác phòng chống dịch với sản phẩm đông lạnh nhập khẩu tại cửa khẩu.
“Qua làm việc với một số cơ quan của Bộ NN-PTNT phía Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sản phẩm đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện các dấu hiệu liên quan đến lưu hành Covid-19 thì ngay lập tức Hải quan Trung Quốc sẽ gửi thông báo cho Việt Nam. Đồng thời, Hải quan Trung Quốc cho doanh nghiệp 2 tuần chuẩn bị và làm việc trực tuyến với Hải quan Trung Quốc để giải quyết các vấn đề theo yêu cầu của phía bạn. Sau 2 tuần đó, nếu doanh nghiệp không thu xếp được thì Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tạm ngừng nhập khẩu đến khi nào doanh nghiệp thu xếp được buổi làm việc và gửi các tài liệu có liên quan để Tổng cục Hải quan Trung Quốc thẩm định. Khi ấy họ mới xem xét dỡ bỏ lệnh hạn chế nhập khẩu với doanh nghiệp vi phạm trước đó”, ông Lương Văn Tài nhấn mạnh.
Diễn đàn: “Xuất khẩu trái cây tươi trong bối cảnh Trung Quốc thực thi Lệnh 248, 249 và tăng cường kiểm soát nhập khẩu thực phẩm chuỗi cung ứng lạnh” do Văn phòng SPS Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức tại Bình Thuận vào sáng 19/8. Ảnh: Minh Sáng.
Ngoài ra, ông Tài cho biết, thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn chưa mở cửa cho nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan đã được nhập khẩu chính ngạch 25 loại quả sang thị trường Trung Quốc, một áp lực lớn đối với sản phẩm trái cây từ Việt Nam.
Thứ nữa, nông, thủy sản của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh rất gắt gao với các đối tác cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và cạnh tranh với chính hàng nông, thủy sản của Trung Quốc. “Qua công tác theo dõi địa bàn, chúng tôi thấy những sản phẩm trái cây của Thái Lan rất được ưa chuộng vì họ tập trung vào công tác truyền thông, marketing. Hàng năm đến mỗi mùa vụ, họ thường tổ chức các tuần lễ để giới thiệu sản phẩm, do đó mức độ nhận biết, nhận diện thương hiệu các sản phẩm trái cây của Thái Lan tốt hơn chúng ta ở thời điểm hiện tại”, ông Lương Văn Tài nói.
Các sản phẩm thủy sản nằm trong nhóm vi phạm nhiều nhất
Một rào cản quan trọng nữa cũng được Tùy viên thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc lưu ý, đó là: Hoạt động xuất khẩu ở nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường tiểu ngạch, nên có những rủi ro nhất định, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận các hệ thống phân phối và siêu thị lớn. Không những thế, hiện nay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, Trung Quốc vẫn tiến hành kiểm tra gắt gao Covid-19 với hàng hóa đông lạnh nhập khẩu.
Ông Tài cho cho biết thêm, hàng năm có hàng nghìn trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm vi phạm tiêu chuẩn quy định nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc. Các hàng hóa vi phạm chủ yếu là do các quốc gia, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn, trình độ sản xuất nông sản, thực phẩm khác nhau. Nhóm sản phẩm vi phạm nhiều nhất là đồ uống và rượu bia, sản phẩm sấy, kẹo, socola, thủy sản và sản phẩm thủy sản.
Nhóm sản phẩm vi phạm nhiều nhất của các quốc gia khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là đồ uống và rượu bia, sản phẩm sấy, kẹo, socola, thủy sản và sản phẩm thủy sản.
Các lỗi vi phạm nhiều nhất là liên quan đến các tài liệu, chứng nhận hàng hóa, phụ gia và thực phẩm, hoặc nhãn mác, hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, vi sinh vật.
Từ những vấn đề trên, Cơ quan thương vụ lưu ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần phải kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quy định tại nước nhập khẩu; cần tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông sản thực phẩm.
Bên cạnh đó, các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, cập nhật thông tin về quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu cũng cần được thường xuyên tổ chức. Các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại cần có cán bộ chuyên trách am hiểu thị trường và nên tìm cán bộ biết tiếng Trung, vì đặc thù các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Trung Quốc khi làm việc và giao dịch hay dùng tiếng Trung.
“Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách zelo Covid, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp nên tổ chức sản xuất theo hướng dẫn trong cuốn cẩm nang phòng chống lây nhiễm chéo Covid-19 trong nông sản, thực phẩm, đã được FAO cập nhật mới nhất”, ông Tài nói. Đồng thời, với các doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc thì cần phối hợp để làm tốt công tác điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.