Sớm tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trực tiếp giao thương
3/15/2023 3:01:08 PM
Sớm tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trực tiếp giao thương
13:28 08/03/2023, Theo VASEP.COM
(vasep.com.vn) Ngày 8/3/2023, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dự và chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 3 điểm cầu chính tại Bộ NN-PTNT, Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam và tỉnh Quảng Ninh. Diễn đàn được tổ chức nhằm trao đổi về tình hình XNK nông sản, thủy sản, thực phẩm; nhu cầu giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây), đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm thủy sản sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.
Tại Diễn đàn, chia sẻ về thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Từ 2018-2022, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam XK sang Trung Quốc nhiều nhất gồm cá tra, tôm, cá các loại (cá cơm, cá hồi, chả cá, cá bò..), mực, bạch tuộc, cua ghẹ, giáp xác. Trong đó, cá tra là sản phẩm được Trung Quốc NK nhiều nhất, chiếm tỷ trọng 40-50%. Tôm là sản phẩm được NK nhiều thứ hai, chiếm tỷ trọng 33-38%. Tăng trưởng XK tôm sang Trung Quốc ghi nhận cao hơn cá tra, chủ yếu là tăng tôm chân trắng và tôm hùm. Cá các loại chiếm 10-16%, tăng hơn 2 lần sau 5 năm. Mực, bạch tuộc chiếm 2-5%, chủ yếu là mực khô, sấy và đông lạnh. Đặc biệt, cua ghẹ và giáp xác khác tăng 16 lần sau 5 năm, tăng mạnh 3 năm gần đây.
Top 7 sản phẩm NK nhiều nhất vào Trung Quốc gồm: tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm NK nhiều nhất vào Trung Quốc chiếm 24% khối lượng, 41% giá trị trong tổng NK thủy sản của Trung Quốc. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu.
Thông tin thêm về thương mại thủy sản Việt Nam - Quảng Tây, ông Nam cho biết, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, NK thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.
Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, ông Nguyễn Hoài Nam đã đưa ra đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc.
“Đồng thời, chúng ta cũng cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nam kiến nghị.
Doanh nghiệp cần lưu ý đăng ký gia hạn XK sang Trung Quốc
Về tình hình xuất khẩu và đăng ký doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin, đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).
Cơ sở đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống cần được NAFIQAD thẩm định, chứng nhận điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Các cơ sở nuôi, cơ sở bao gói cần phải được cơ quan quản lý nông lâm thủy sản địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP/điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số.
Đại diện này cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và lưu ý trong đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Theo đó, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam.
Trong đó, một số doanh nghiệp chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Trong thời hạn từ 3-6 tháng trước khi hết thời hạn đăng ký, DN phải nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên CIFER.
Đại diện Cục lưu ý các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đăng ký gia hạn theo quy định của GACC để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại.
Để tháo gỡ các khó khăn, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khuyến nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt các hồ sơ đăng ký trên CIFER; phê duyệt hồ sơ đăng ký cơ sở bao gói thủy sản sống và hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp, Cục đề nghị ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn.
Đối với cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với GACC để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký trên CIFER; tích cực liên hệ, đôn đốc phía Trung Quốc xử lý kiến nghị của phía Việt Nam.
Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt là HS code
Một DN sản xuất nước mắm tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cho biết đang gặp khó khăn về HS code khi đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường trả lời, DN thủy sản muốn XK sang Trung Quốc thì phải có tên trong 805 DN đã được phía Trung Quốc cấp. Nếu không, DN phải bổ sung hồ sơ và chờ cấp phép. Hiện Trung Quốc cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản.
Ông Tiệp đề nghị doanh nghiệp kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt là HS code, nhằm đảm bảo tương thích trước khi thông quan.
Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường thông tin thêm, Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Hiện mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục, còn mặt hàng tôm ướp đá, sứa muối tiếp tục được đánh giá nguy cơ.
Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, tuy chưa thể giải quyết hết được những thắc mắc của các đơn vị và doanh nghiệp nhưng Diễn đàn đã cung cấp nhiều thông tin về kỹ thuật, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, phát triển thị trường tới các doanh nghiệp 2 nước.
Đây cũng là cơ hội để cơ quan 2 bên thấy được tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhanh các thủ tục, tạo điều kiện giao thương, mua bán cho các doanh nghiệp tại cửa khẩu Móng Cái. Theo đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 nước đẩy mạnh giao thương trong thời gian tới.