Muốn tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản cần đi sâu vào thị trường Trung Quốc
12/2/2022 1:09:43 PM
Theo VASEP, 09:30 02/12/2022
Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký VASEP, thời gian tới cần có biện pháp đặc thù để tiếp thị vào thị trường Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với hiện nay. Trong đó, thiết lập cơ quan bán hàng trực tiếp của người Việt.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), tinh đến cuối tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc và Hồng Kông tiêu thụ lớn thứ hai với 1,5 tỷ USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, thị trường này được đánh giá là tiềm năng trong bối cảnh kinh tế thế giới bước vào suy thoái và sức tiêu thụ ở một số thị trường truyền thống như EU, Mỹ giảm sút.
Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)
Chia sẻ tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng" do trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz, Tạp chí Doanh nhân Việt Nam và Công ty Greenpan phối hợp tổ chức chiều ngày 26/11, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký VASEP cho biết nhiều ý kiến cho rằng muốn tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản thì phải đi sâu vào Trung Quốc và đây là thực tế.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP)
"Dù muốn dù không thì Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, khi đó có thể tăng trưởng được xuất khẩu", ông Hoè nói.
10 tháng 2022, dù áp dụng chính sách Zero Covid nhưng nước này vẫn nhập khẩu 15 tỷ USD, cao hơn cả năm 2021.
"Điều này cho thấy nhu cầu thuỷ sản của Trung Quốc đang gia tăng và các doanh nghiệp cần đầu tư công sức vào thị trường này trong thời gian tới", ông Hoè nói.
Thuỷ sản Việt Nam cũng đã có thị phần tại các tỉnh có lượng tiêu thụ lớn như Sơn Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Bắc Kinh và Thiên Tân. Các địa phương này chiếm 87% tổng kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc. Tính riêng tỉnh Sơn Đông, một năm tỉnh này nhập khẩu 4 tỷ USD thuỷ sản.
Theo ông Hoè, thời gian tới cần có biện pháp đặc thù để tiếp thị vào thị trường Trung Quốc một cách hiệu quả hơn so với hiện nay. Trong đó, thiết lập cơ quan bán hàng trực tiếp của người Việt. Tuy nhiên, cần xem xét chọn lựa địa phương nào phù hợp.
"Thị trường Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân và nhiều tỉnh, diện tích 1 tỉnh cũng rất lớn. Do đó, chúng ta cần coi Trung Quốc giống như liên minh Châu Âu 27 nước với phong tục, chính sách mỗi tỉnh khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ chính sách của từng địa phương để có sách lược phù hợp với từng sản phẩm. Đặc biệt với sản phẩm tôm cần tính toán kỹ hơn vì cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ rất lớn", ông Hoè nói.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng rất khó khăn.
"Trung Quốc có hơn 1.000 doanh nghiệp chế biến tôm. Một năm họ nhập cả triệu tấn tôm nguyên liệu về chế biến chủ yếu từ Ecuador, Ấn Độ và Agentina về chế biến lại phục vụ trong nước. Do đó mình thập nhập vào thị trường đó không được. Hệ thống tiêu thụ nội địa gần như đã chi phối hết, chỉ có cá tra và tôm sú mới thâm nhập", ông Lực chia sẻ.
Theo ông Lực, sách lược trước mắt đối với ngành tôm là tập trung vào thị trường ưa chuộng sản phẩm tôm có hàm lượng giá trị gia tăng cao mà Ecuador và Ấn Độ chưa thể thâm nhập như Nhật Bản, Tây Âu.
Trung Quốc và Hồng Kông đứng thứ 4 các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng 2022 với 547 triệu USD, tương đương 14,3% tỷ trọng.
Bảo Ngọc (Theo Vietnambiz)