Chi phí logistics tiếp tục là thách thức cho xuất nhập khẩu
4/29/2022 9:56:17 AM
08:26 29/04/2022, Theo TT từ VASEP
Tính đến 15/4/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước ước đạt 208,83 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên theo nhận định của chuyên gia, chi phí vận chuyển, logistics tăng cao suốt 2 năm qua chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, cộng hưởng với xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý II và những tháng cuối năm 2022.
Doanh nghiệp “đau đầu” vì chi phí logistics
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của nước ta phục hồi mạnh mẽ khi tăng cả về lượng và giá trị ở nhiều nhóm hàng. Tình hình tiêu thụ nhóm nông, lâm, thủy sản hiện rất thuận lợi, do nhu cầu nhóm hàng nông sản trên thế giới hiện nay đang rất cao. Thống kê đến 15/4/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 104,34 tỷ USD, tăng 14,4% (tăng 13,15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên ông Trần Thanh Hải cũng cảnh báo, bên cạnh yếu tố thuận lợi, thời gian tới xuất khẩu hàng hoá sẽ phải đối mặt khó khăn nhất định. Tại Trung Quốc, khi tình trạng dịch bệnh lan truyền có thể tại các cảng của Trung Quốc cũng sẽ bị ùn tắc, điều đó sẽ tiếp tục kéo dài thời gian vận chuyển, đẩy giá cước tiếp tục duy trì ở mức cao. Đáng lo ngại nhất là chi phí vận chuyển, logistics 2 năm vừa qua do tác động của dịch Covid-19 đã đẩy giá cước vận tải biển tăng 4-6 lần, đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đại diện nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng chia sẻ họ đang “đau đầu” vì cước vận chuyển liên tục lập đỉnh mới. Cụ thể, cước vận tải biển đi Mỹ từ mức 3.000 USD/container trước dịch Covid-19 hiện nay đã lên từ 13.000 - 14.000 USD/container đi bờ Tây, còn đi bờ Đông là 17.000 USD/container. Cước tàu đi châu Âu dao động từ 12.000 - 14.000 USD/container. Tương tự, cước tàu đi Trung Đông hiện đã ở mức từ 10.000 - 11.000 USD/container.
Ông Trương Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) cho biết, chi phí đầu vào từ nguyên liệu, phụ liệu, bao bì đều tăng, cộng với chi phí logistics đường biển neo ở mức cao đang là thách thức lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hiện nay. “Dù chi phí tăng nhưng doanh nghiệp thực phẩm khó nâng giá bán do đã ký hợp đồng xuất khẩu từ trước và giữ bình ổn giá cho sản phẩm tiêu dùng trong nước. Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất để tạo việc làm cho người lao động…” - ông Trương Tiến Dũng chia sẻ.
Năm 2022 phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu 6 - 8%
Đề cập đến khả năng tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho hay, Bộ Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 6 - 8% so với năm 2021, đạt khoảng 363 tỷ USD; duy trì cán cân thương mại ở mức xuất siêu. Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, việc tận dụng ưu thế từ các FTA vẫn là sự quan tâm lớn nhất.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương cũng sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội ưu đãi từ các FTA. Gần đây, Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn với mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đây đều là các FTA với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, trên thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể.
Trong CPTPP, các quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Peru, Mexico..., mức tăng trưởng trong xuất khẩu đều đạt từ 25 - 35%, thể hiện rất rõ cơ hội cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với cam kết sâu hơn cũng như tạo thuận lợi rõ ràng hơn, các doanh nghiệp cũng có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng tích cực cùng với các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đang đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư đổi mới phương thức điều hành, vận chuyển sao cho hợp lý cũng như phát triển mạnh đội tàu biển Việt Nam trong tương lai nhằm giảm chi phí logistics.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết thêm, trong năm 2022, đơn vị tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cho hàng hoá Việt Nam. Trong đó, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại dành 80,41% kinh phí cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Các hoạt động được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến chủ yếu tập trung vào việc tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở nước ngoài; tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế tại Việt Nam đối với sản phẩm xuất khẩu; tổ chức đoàn giao dịch thương mại ở nước ngoài…
Chuyển dịch xuất khẩu hàng hóa theo chiều sâu
Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa, tận dụng lợi thế từ các FTA, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Mục tiêu của Chiến lược đặt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021-2030; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu; đa dạng hóa thị trường, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Phương Linh