An Giang cần tích hợp phát triển ngành hàng cá tra vào quy hoạch chung
7/28/2022 9:15:58 AM
08:27 28/07/2022, theo VASEP.COM,
An Giang cần tích hợp phát triển ngành nuôi trồng, chế biến cá tra và các loại thủy sản nước ngọt vào quy hoạch chung của tỉnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang.
Sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị
Đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Thời gian qua, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi, chế biến thủy sản về cơ bản kịp thời, đầy đủ, tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Việc ban hành văn bản và chỉ đạo điều hành của Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh An Giang thời gian qua phù hợp với thực tiễn, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về nuôi, chế biến thủy sản.
Theo đó, An Giang đã triển khai phát triển thủy sản nước ngọt theo hướng quy hoạch các vùng nuôi tập trung, vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa công nghệ cao. Đến năm 2025, vùng nuôi cá tra theo quy hoạch sẽ đạt 1.236 ha/1.430 ha tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, với sản lượng từ 440.000 tấn cá tra xuất khẩu.
UBND tỉnh An Giang đang hỗ trợ tích cực một số doanh nghiệp thực hiện triển khai các quy hoạch các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cá tra giống, cá tra thương phẩm tập trung trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Lộc Kim Chi, Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc, Công ty Cổ phần Nam Việt Bình Phú, Công ty TNHH sản xuất cá tra giống Vĩnh Hoàn...
Tỉnh An Giang đã và đang hình thành những mô hình sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ, xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp thủy sản là hạt nhân của chuỗi liên kết. Toàn tỉnh hiện có 9 chuỗi liên kết giữa hộ nuôi với Tập đoàn Sao Mai, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Agifish, Công ty Cổ phần Biển Đông, Công ty Cổ phần CP, Công ty Việt Thắng, Công ty XNK Nông sản thực phẩm An Giang...
Tất cả các dự án dự án, cơ sở nuôi, chế biến thủy sản đều thực hiện công tác lập thủ tục hành chính về môi trường. Đồng thời, thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường, chất lượng nước tại các khu nuôi trồng thủy sản, trên hệ thống sông, kênh rạch và một số khu vực nuôi lồng bè, nuôi thủy sản tập trung.
Bên cạnh đó, An Giang là một tỉnh nội đồng, việc khai thác thủy sản theo tập quán sử dụng tàu thuyền nhỏ, sản lượng khai thác không lớn chủ yếu phục vụ nhu cầu thực phẩm tại địa phương. Hầu hết ngư dân khai thác thủy sản không có giấy phép (tàu thuyền ngư dân chưa đủ điều kiện theo quy định đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản). Nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng suy giảm do bị ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân. Trong đó, có diện tích ngập lũ tự nhiên cho thủy sản tự nhiên sinh sản, sinh trưởng vào mùa lũ giảm dần.
Theo thống kê, số lượng tàu, thuyền khai thác thủy sản năm 2017 trên địa bàn tỉnh là 6.628 chiếc (trong đó có 2.462 chiếc có động cơ, 4.166 chiếc không có động cơ). Đến năm 2020 giảm còn 2.830 chiếc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Cần tích hợp phát triển ngành nuôi trồng thủy sản và chế biến cá tra
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã giải trình, làm rõ các vấn đề mà Đoàn giám sát nêu ra, đồng thời đề xuất với Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét nghiên cứu đưa ra những mô hình nuôi trồng thủy sản theo mô hình “tuần hoàn” để tận dụng được tốt đa nguồn thải trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với đội ngũ lao động làm việc trong các nhà máy chế biến thủy sản nhất là về chế độ tiền lương, phụ cấp độc hại để giữ chân lao động.
An Giang cần tích hợp quy hoạch phát triển của ngành nuôi trồng, chế biến cá tra và các loại thủy sản nước ngọt vào quy hoạch chung của tỉnh.
Sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao công tác thực hiện và chia sẻ khó khăn với tỉnh An Giang trong thực hiện các chính sách pháp luật trên lĩnh vực thủy sản. Đồng thời đề nghị thời gian tới, tỉnh An Giang cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đối với bà con nhân dân, chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế cho bà con ngư dân, nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng lưu ý, hiện quy hoạch chung của tỉnh chưa được phê duyệt. Do đó, An Giang cần tích hợp phát triển ngành nuôi trồng, chế biến cá tra và các loại thủy sản nước ngọt vào quy hoạch chung của tỉnh. Từ đó góp phần phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững. Đối với kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, giải quyết.
Mỹ Hạnh (Theo Báo Nông nghiệp)